Chính trị và ngoại giao thời Trinh Nguyên Đường_Đức_Tông

Sang đầu năm 785, Đức Tông cải nguyên là Trinh Nguyên năm đầu, đại xá thiên hạ. Tháng 1 năm 786, ông phong cho các đại thần Lưu Tư, Thôi Tạo, Tề Ánh đảm nhận Đồng bình chương sự, trở thành ba tể tướng mới trong triều. Sau loạn Phụng Thiên, ông cho đổi đất phong của một số Tiết độ sứ để làm tránh việc họ mau chóng tập hợp lực lượng. Lúc bấy giờ triều đình lại phải đối mặt với sự xâm lăng của Thổ Phiên. Thổ Phiên nhân lúc nhà Đường suy yếu, liên tục mở các cuộc tấn công vào Quan Trung và cướp bóc của cải, nhiều lần triều đình phải ra lệnh giới nghiêm trong toàn Trường An. Một vấn đề nữa là do trong biến loạn, các hoạn quan trong triều tỏ ra rất trung thành với Đức Tông khiến ông dần thay đổi cách đối xử với họ. Đến cuối năm 786, Đức Tông thăng Thần Sách tả, hữu sương thành Điện tiền tả hữu sanh quân, chủ yếu do các hoạn quan nắm giữ.

Tiết độ sứ Nghĩa Thành Lưu Trừng chết, con là Lưu Khắc Ninh giết tướng dưới quyền Mã Huyễn, ý muốn kế tập ở Nghĩa Thành. Tướng Lưu Huyền Tá được lệnh cầm quân đi đánh, Khắc Ninh hoảng sợ phải bỏ ý định. Có chiếu phong Giả Đam lên thay làm Tiết độ sứ Nghĩa Thành. Về mặt trận phía tây, các tướng Lý Thịnh, Hồn Giam cầm quân ở biên cương, nhiều lần ngăn chặn được Thổ Phiên.

Đầu năm 787, Đức Tông lập Thục phi Vương thị làm hoàng hậu, nhưng chỉ vài ngày sau, hoàng hậu lại qua đời, thụy là Chiêu Đức, táng ở Tĩnh lăng[43]. Cùng lúc do Thôi Tạo không hoàn thành nhiệm vụ cải tiền cốc pháp nên bị giáng chức tể tướng. Theo đề nghị của Hàn Hoảng, Đức Tông phong cho Trương Diên Thưởng làm tể tướng mới. Trương Diên ThưởngTề Ánh lại có hiềm khích với nhau, Diêm Thưởng tấu rằng Ánh không có tài tể tướng. Có chiếu biếm Tề Ánh làm thứ sử Quỳ châu, Liễu Hồn được thay làm tể tướng.

Quân Thổ Phiên rất sợ Lý Thịnh, Hồn Giam và Mã Toại, khi xâm phạm biên giới lại gặp các tướng ấy nên phải xin hòa, Mã Toại chấp nhận nhưng triều đình không chịu. Đến khi tể tướng Hàn Hoảng hoăng, Đức Tông (do ghét Hồi Hột) lại muốn cùng liên minh với Thổ Phiên để chống Hồi Hột. Ông lại sợ Lý Thịnh ở bên ngoài nắm nhiều quân mã, lại thêm Trương Diên Thưởng gièm pha nên Đức Tông triệu về triều phong làm Thái úy Trung thư lệnh (Tể tướng), thực ra là để kiềm chế. Sau đó hai nước giảng hòa.

Trong lúc đó, Trương Diên Thưởng và Thổ Phiên oán hận Mã Toại nên ngày 8 tháng 7, lúc Hồn Giám thay mặt Mã Toại giảng hòa đã phục binh vây bắt Hồn Giám để uy hiếp Mã Toại, rồi đưa binh tới tận Trường An nhưng Hồn Giám lại trốn thoát. Về sau Mã Toại bị Đức Tông tước binh quyền ở Hà Đông[44], Lý Tự Lượng được lập làm Tiết độ sứ mới ở Hà Đông. Còn Trương Diên Thưởng tạ bệnh không vào triều nữa. Đức Tông cho triệu thầy cũ là Lý Bí đang ở Thiểm Quắc[45] vào triều làm Trung thư thị lang, đảm nhận tướng vị. Theo đề nghị của Lý Bí, Đức Tông cho thực hiện chế độ phủ binh, tuyển mộ thêm người đến khu vực gần biên giới với Thổ Phiên và Đảng Hạng, và cho họ công cụ và hạt giống để thực hiện việc khẩn hoang ở những đất đó; đồng thời tăng cường binh mã để phòng bị Thổ Phiên, có thể dùng lương thực sản xuất được ở những vùng đất đó làm quân lương. Lý Bí còn đề nghị dùng hôn nhân để kết minh với Hồi Hột, Đại Thực, Vân Nam... cùng chống Thổ Phiên; ban đầu Đức Tông không chịu vì còn oán Hồi Hột nhưng sau đó Lý Thắng và Mã Toại cũng lên tiếng về việc này, Đức Tông bèn gả công chúa cho Khả hãn Cốt Độc Lộc của Hồi Hột (lúc này Hồi Hột đổi tên là Hồi Cốt). Với việc kết minh với các nước, quân Đường đã có thêm đồng minh chống Thổ Phiên, quân Thổ Phiên lại phải đối phó với Nam Chiếu và Hồi Hột nên cũng không dám xâm nhập sau vào lãnh thổ nhà Đường như trước nữa, Thổ Phiên bắt đầu suy yếu và quân Đường lại giành được nhiều thắng lợi trong các cuộc giao tranh[46].

Cũng năm 787, một biến cố xảy ra làm đe dọa đến vị trí của thái tử Lý Tụng khi tể tướng Trương Diên Thưởng phát hiện đại thần Lý Thăng có qua lại mật thiết với công chúa Cáo Quốc, mẹ vợ của Lý Tụng (Trương Diên Thưởng và cha Lý Thăng là Lý Thúc Minh vốn có tư oán với nhau). Đức Tông tỏ ý nghi ngờ Cáo Quốc công chúa có mưu đồ khác. Ban đầu, theo lời khuyên của Lý Bí, Đức Tông không tiến hành điều tra vì việc này có thể gây bất lợi cho thái tử Tụng, chỉ đẩy Lý Thăng ra khỏi triều đình. Nhưng đến mùa thu cùng năm, lại có người tố cáo Cáo Quốc công chúa không chỉ qua lại mật thiết với Lý Thăng mà còn với nhiều đại thần khác như Tiêu Đỉnh, Lý Vạn, Vi Khác, hơn thế còn sử dụng bùa chú để trù ếm Đức Tông. Đức Tông cả giận, cho bắt giam Cáo Quốc công chúa và từ đó cũng đối xử lạnh nhạt với Lý Tụng (do Đức Tông cho rằng việc làm của công chúa là để đưa Lý Tụng - con rể bà ta lên ngôi sớm hơn). Đức Tông muốn phế Thái tử phi Tiêu thị, lập Vương lương đệ làm thái tử phi, nhưng Lý Tụng ra sức cầu xin, Đức Tông vẫn không nguôi giận mà còn có ý muốn phế Lý Tụng để đưa Thư vương Lý Nghị làm hoàng đế. Tuy nhiên sau cùng đại thần Lý Bí đứng ra nói lý lẽ với Đức Tông nên Đức Tông bỏ ý định này. Sau này Cáo Quốc công chúa qua đời và Lý Tụng bị bệnh, Đức Tông bèn giết chết Tiêu phi[47].

Năm 790, có tin đồn rằng Lý Nạp ở Tri Thanh có ý định đưa Điền Triều (con trai nhỏ của Điền Thừa Tự) trở về Ngụy Bác để tranh quyền với Điền Tự. Điền Tự dùng lễ vật hậu hĩnh lấy lòng khuyên Lý Nạp đưa Điền Triều về Trường An, đồng thời chấp nhận hàng thứ sử Lệ châu Triệu Hạo (người trước đó đã dâng châu này cho Vương Vũ Tuấn). Điền Tự còn giả chiếu chỉ của vua Đức Tông, trong chiếu công nhận Lệ châu thuộc Bình Lư. Vũ Tuấn nộ thậm và cho tấn công Bối châu của Ngụy Bác[48], chiếm được bốn quận của châu này. Mùa đông năm đó, triều đình ra mặt hòa giải, các trấn giữ nguyên địa giới như trước.

Trong thời gian này, Đức Tông bắt đầu trở nên xa xỉ và lãng phí khi nhận các cống vật từ các Tiết độ sứ. Lý Bí cố khuyên ngăn nhưng Đức Tông chỉ hứa ngoài miệng, bên trong vẫn không sửa đổi. Tháng 3 năm 789, Lý Bí mất[49], từ đó Đậu Tham trở thành tể tướng nắm nhiều quyền lực nhất trong triều. Tuy nhiên do Đậu Tham là người giảo hoạt, Đức Tông bắt đầu có ý ghét. Năm 792, Đậu Tham bị bãi chức rồi bức tử; Lục Chí lên thay. Lục Chí có ý định cải cách kinh tế và trấn áp các tiết độ sứ bên ngoài, song Đức Tông không dám làm việc đó.

Năm 792, Lý Nạp mất, con là Lý Sư Cổ lên thay làm Tri Thanh lưu hậu. Lúc đó trong triều, Lục Chí bất hòa với cận thần của Đức Tông là Bùi Diên Linh. Lục Chí nhiều lần tố cáo Diên Ninh trước mặt Đức Tông nhưng ông không nghe. Lục Chí lại cố tranh biện thì càng bị Đức Tông ghét thêm. Năm 794, Lục Chí bị giáng làm thái tử tân khách, sau đó bị đưa đi lưu đày đến Trung châu (795)[50]. Sau đó Bùi Diên Ninh còn hãm hại một số đại thần khác như Lý Sung, Trương Bàng, Lý Tiêm và đuổi họ khỏi triều đình.[51]

Từ thời điểm đó, Đức Tông không còn tin tưởng vào các tể tướng nữa mà chỉ tín nhiệm hoạn quan. Bùi Diên Linh ngày càng được Đức Tông tin tưởng, Diên Linh nói gì Đức Tông cũng nghe. Sau khi Bùi Diên Linh chết, Tề Vận trở thành người được Đức Tông tin tưởng nhất. Tề Vận cùng bọn Vương Thiệu, Lý Thật, Vi Cừ Mưu kết bè đảng làm lũng đoạn triều chính, gièm pha công thần tể tướng. Chính sự cuối thời Trinh Nguyên ngày càng không còn kỉ cương gì cả. Trong khi đó ở bên ngoài, các tiết độ sứ sợ uy thế của triều đình nên thường gửi nhiều cống phẩm đắc giá lên Đức Tông, ông đều nhận cả và sủng tín các tiết độ sứ dâng cống phẩm. Đội quân Thần Sách do các hoạn quan Đậu Văn Tràng, Hoắc Tiên Minh, Tiêu Hi Vọng... chỉ huy cũng bắt đầu lớn mạnh từ đây, về sau nạn hoạn quan tham chính được dịp bùng lên ngay sau khi Đức Tông qua đời.

Năm 794, Lý Bão Chân ở Chiêu Nghĩa mất, con là Lý Kiến muốn lên kế nhiệm cha nhưng thất bại. Đức Tông bổ nhiệm Vương Kiền Hưu là tiết độ sứ mới ở trấn này, tuy nhiên tướng Nguyên Nghị dưới quyền Lý Bão Chân không phục và chống lại Vương Kiền Hưu. Cuộc giao tranh kéo dài hơn 1 năm, cuối cùng Nguyên Nghị thất bại, chạy đến nương nhờ Điền Tự.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Đức_Tông http://www.sidneyluo.net/a/a16/012.htm http://www.sidneyluo.net/a/a16/013.htm http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%...